'Sẽ tích cực bơm vốn cho nền kinh tế'

03/08/2010

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trao đổi với báo chí hôm qua, ngay sau phiên họp với thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tháng 7.

- Tốc độ tăng giá tiêu dùng tiếp tục chậm lại và đang ở mức thấp nhất hơn một năm qua, nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để hỗ trợ kinh tế. Xin cho biết quan điểm của Thống đốc?

- Thực ra từ đầu năm tới giờ, Ngân hàng Nhà nước đã rất linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ để vừa kiềm chế lạm phát, vừa hỗ trợ kinh tế. Ba tháng đầu năm, thời điểm trước và sau Tết, khi lượng tiền gửi sụt giảm nghiêm trọng mà nhu cầu thanh toán chi tiêu tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra một lượng tiền cực mạnh rồi thu về ngay sau đó để điều hòa thị trường. Sau đó, thị trường ổn định trở lại, thanh khoản của các ngân hàng tốt lên. Nhưng do chủ trương hỗ trợ nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, kích thích xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước lại điều hành nguồn tiền để tập trung cho các hướng đó.

Đầu tháng 7, khoảng 10.000 tỷ đồng đã được dùng tái cấp vốn cho Vietinbank, giúp ngân hàng này triển khai chương trình ưu đãi xuất khẩu. Khi có tin chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 chỉ tăng 0,06%, thấp nhất hơn một năm qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cung ứng tiền trung dài hạn cho Agribank để phục vụ khu vực nông thôn. Ngân hàng Nhà nước bơm khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng thực tế Agribank đã phân bổ chỉ tiêu về địa phương tới 12.000 tỷ, một số tiền rất quan trọng, có sức lan tỏa nhanh để kích cầu đầu tư nông thôn. Đây là lần đầu tiên trong gần 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ vốn để ngân hàng thương mại cho vay trung dài hạn.

Tôi đang khuyến khích Agribank tiếp tục cân đối từ các nguồn vốn khác. N��u điều kiện kinh tế vĩ mô tốt hơn, tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh tay. Nói như vậy để thấy rằng Ngân hàng Nhà nước những tháng qua một mặt hạn chế tín dụng nhập khẩu và khu vực đô thị, nhưng rất tích cực cung ứng cho những khu vực được ưu tiên để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.

- Nhưng doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận vốn ngân hàng và thực tế là tăng trưởng tín dụng khá khiêm tốn so với cùng kỳ?

- Dự báo tới 31/7, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,96%, vốn huy động tăng 16,3% và dư nợ tăng 12,97%. So với mục tiêu cả năm tăng tổng phương tiện thanh toán 20%, tăng trưởng tín dụng 25% thì đạt được như vậy thì đâu phải thấp. So sánh với năm ngoái cũng không sát, bởi khi đó kinh tế suy giảm, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay theo chương trình kích cầu. Đó là chưa kể tới một số địa phương, một phần vốn vay kích cầu của năm ngoái vẫn còn sức lan tỏa rất lớn cho năm nay.

tien1.jpg
Vay tiêu dùng đang chịu lãi suất cao hơn. Ảnh: Hoàng Hà

- Các ngân hàng tích cực cam kết giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhưng thực tế ít doanh nghiệp hưởng mức ưu đãi 12-13%, thị trường vẫn phổ biến lãi suất trên 14%, thậm chí vay tiêu dùng phải chịu tới 17%. Thống đốc đánh giá thế nào?

- Lãi suất tăng hay giảm tùy thuộc vào quan hệ cung cầu và diễn biến của kinh tế vĩ mô, không thể ấn định một cách hành chính. Khi đã chuyển cách điều hành theo lãi suất cơ bản sang cơ chế lãi suất thỏa thuận, thì thị trường tự động phân thành 3 nhóm, lãi suất cực cao, cao trung bình và thấp nhất. Dĩ nhiên vay phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng xa xỉ hay cho các hoạt động có lợi nhuận cao, đi kèm với nó là rủi ro cực lớn, thì lãi suất phải cao. Còn khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút nhiều lao động, hay sản xuất làm hàng xuất khẩu, được ưu đãi lãi suất. Tôi đang yêu cầu thống kê cụ thể xem nhóm này chiếm bao nhiêu trong cơ cấu tín dụng của toàn hệ thống, từ đó sẽ kết luận tỷ lệ hưởng lãi suất thấp là nhiều hay ít.

Với khu vực nông thôn, Hiện BIDV cho vay thấp nhất 12%, Vietcombank 12,3%, còn Vietinbank và Agribank 12,5%. Giá vốn này đã thấp hơn nhiều so với thời kỳ ổn định 2006-2007, lúc đó là 13,2%, nên nông dân rất được lợi. Điều này càng có ý nghĩa khi biết rằng trước đây, lãi suất cho vay nông thôn thường cao 1,2-1,5 lần so với khu vực doanh nghiệp đô thị vì ngân hàng phải mất thêm chi phí chuyển vốn về nông thôn.

- Một số ngân hàng cho rằng lãi suất có thể còn thấp hơn nếu Ngân hàng Nhà nước không khống chế việc dùng vốn từ thị trường liên ngân hàng cho vay với nền kinh tế?

- Nếu không có quy định khống chế 20% thì thị trường mới méo mó, bởi khi đó thị trường liên ngân hàng không còn là nơi ngân hàng cho vay mượn nhau để bù đắp thanh khoản, mà trở thành nơi vay mượn để mở rộng tín dụng một cách thiếu kiểm soát. Khi siết như vậy chỉ những ông thừa vốn không cho vay được mới la, chứ không phải mấy ngân hàng nhỏ.

Thực tình Ngân hàng Nhà nước vừa làm vừa lắng nghe ý kiến từ nhiều luồng, kể cả hoan nghênh lẫn phê bình, để rút kinh nghiệm trong điều hành chính sách. Nhưng 7 tháng qua không ngân hàng nào tăng trưởng tín dụng đột biến cũng không anh nào thiếu thanh khoản, và cũng không có thị trường nào rối loạn cả. Tất cả các ngân hàng từng lạm dụng thị trường liên ngân hàng thì nay đã điều chỉnh cơ cấu vốn của mình, sản phẩm, mạng lưới và chiến lược kinh doanh hợp lý. Họ cũng thoải mái vì không phải lo ngịa những hậu quả về rủi ro tín dụng trong tương lai. Điều đấy cho thấy yêu cầu đó đưa ra là hợp lý và đến thời nào đó, sẽ được chuẩn hóa để đưa vào các văn bản pháp luật.

- Vậy định hướng chính sách tiền tệ những tháng cuối năm như thế nào, thưa Thống đốc?

- Các giải pháp điều hành sẽ tập trung sao cho đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% góp phần tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% hoặc trên. Dĩ nhiên sẽ có điều chỉnh hợp lý khi diễn biến bất thường.

Có điều đáng mừng là lâu lắm hệ thống ngân hàng lại quay về trạng thái tăng trưởng huy động vốn cao hơn cho vay. Cuối năm huy động vốn có thể giảm bớt do tính mùa vụ, nhưng điều đó cũng không đáng ngại bởi thực tế tiền gửi vào ngân hàng vẫn khá đều đặn và ngân hàng đang là kênh đầu tư hấp dẫn.

Ngân hàng Nhà nước sẽ có các biện pháp hỗ trợ ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Ngay tuần này, nếu kịp, tôi sẽ ký quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho những ngân hàng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp nông thôn. Với Agribank, sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm vốn trung dài hạn, dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng.

Ước tính số vốn Ngân hàng Nhà nước cung ứng để các ngân hàng cho vay nông nghiệp nông thôn sẽ vào khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 10.000 tỷ đồng dành cho trung dài hạn. Như vậy có thể yên tâm dư nợ tín dụng sẽ tăng trưởng tốt.

Song Linh
Nguồn VnExpress.


Tags:


Copyright© 2011 NGUYEN MINH COMPANY
Địa chỉ: 60/4B1 Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12
ĐT: (08) 6 259 0079 - (08) 6 259 0039 Fax: (08) 6 259 0071
Email: sales@nguyenminh.vn
Website: www.nguyenminh.vn - www.congnghieplanh.com