Kiểm soát rủi ro
Các phiên giảm điểm liên tục của thị trường chứng khoán trong tuần qua là do phản ứng mạnh của NĐT sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố chính sách về tiền tệ. Một số NĐT lo ngại lãi suất cơ bản được tăng từ 7%/năm lên 8%/năm sẽ khiến lợi nhuận doanh nghiệp bị giảm, đồng thời khả năng lạm phát dễ xảy ra. Hơn nữa, giá vàng và giá USD vẫn tăng và đứng ở mức cao nên NĐT cũng có sự chọn lựa khác ngoài chứng khoán. Từ đó luồng vốn đầu tư vào chứng khoán bị hạn chế,… Tuy nhiên, theo công bố của NHNN, việc tăng lãi suất cơ bản là nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại huy động được tiền gửi, từ đó đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm nay và quý 1/2010.
Tương tự, việc điều chỉnh tỷ giá là nhằm mục tiêu điều hành tỷ giá trong mối quan hệ với lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng, diễn biến của cán cân thanh toán quốc tế... Động thái này sẽ hút được luồng tiền nhàn rỗi trong lưu thông vào hệ thống ngân hàng nên từ đó lạm phát cũng sẽ được kiềm chế. Các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cho rằng, việc điều chỉnh là hợp lý và là liều thuốc cần thiết cho nền kinh tế. Theo TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, sau khi ngăn chặn được đà suy giảm của nền kinh tế, nhiều nước trên thế giới đã nâng lãi suất cơ bản. Tại Việt Nam, chỉ số giá cả 11 tháng qua cũng đã tăng trên mức 5%. Riêng giá vàng đã tăng hơn 50% so với đầu năm. Bên cạnh đó, hệ thống các ngân hàng thương mại cũng không thu hút được lượng tiền trong dân chúng dù lãi suất huy động đã ở mức gần 10%/năm nên gặp khó khăn trong việc cho doanh nghiệp vay vốn.
"Việc tăng lãi suất cơ bản của Việt Nam cùng với chính sách ổn định tỷ giá USD là tương thích với nhau và phù hợp trong tình hình hiện nay, tránh được nhu cầu găm giữ USD quá lớn của người dân" - TS Trần Hoàng Ngân nói. Trong báo cáo của mình, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cũng cho rằng việc tăng lãi suất cơ bản của Việt Nam là cần thiết để kiểm soát những rủi ro về tăng trưởng nóng và lạm phát đang nổi lên. Mặt khác, việc tăng lãi suất cơ bản cũng nhằm tăng sức hấp dẫn của đồng VND giúp làm bình ổn tỷ giá hối đoái. Tập đoàn Ngân hàng Citi (Mỹ) trong báo cáo mới nhất cũng tiếp tục lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2010.
Nhà đầu tư đừng quá bi quan
TS Trần Hoàng Ngân khẳng định, chính sách tiền tệ mới sẽ tác động tốt đến thị trường chứng khoán. Trước hết, ổn định tỷ giá USD sẽ khiến cho nhiều NĐT bán USD và lấy tiền. Nếu giá vàng thế giới giảm trở lại, giá vàng trong nước cũng giảm và NĐT đẩy mạnh bán vàng. Hai nguồn tiền này sẽ tạo thêm động lực và khi đó bản thân chứng khoán sẽ trở lại là kênh đầu tư hấp dẫn hơn nhiều. Còn TS Lê Thẩm Dương - trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho rằng, lãi suất cho vay từ 10,5%/năm tăng lên 12%/năm chỉ ảnh hưởng tới một bộ phận doanh nghiệp chứ không phải tất cả. Đó là chưa kể, trong cơ cấu nguồn vốn, doanh nghiệp chỉ sử dụng một phần vốn vay nên việc NĐT bi quan về lợi nhuận doanh nghiệp vì lãi suất tăng là hơi thái quá. TS Dương cho rằng, phải đặt vấn đề lãi suất trong cùng tổng thể với tỷ giá, với cán cân thanh toán, dự trữ của Việt Nam... thì sẽ thấy việc điều chỉnh này là cần thiết. "Chúng ta thử đặt câu hỏi vì sao khối ngoại vẫn liên tục mua vào trong các phiên qua. Họ không ngu để đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam nếu lo sợ và phân tích theo chiều hướng xấu như vậy" - TS Dương nói.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cũng cho rằng NĐT đã quá bi quan. Sự thay đổi của các chính sách tiền tệ, đặc biệt là lãi suất cơ bản là nhằm mục đích cho một sự phát triển mới sau chu kỳ suy thoái. Nếu ở những giai đoạn khi kinh tế phát triển, lãi suất cơ bản của Việt Nam luôn duy trì ở mức khoảng 10% thì lãi suất cơ bản được nâng lên 8% vẫn chưa trở về với mặt bằng cũ. Vì vậy NĐT phải bình tĩnh để xem xét mọi việc theo lô-gic của nó để không tự mang lại rủi ro cho mình.
Theo Thanh Niên