Biểu lãi suất của Ngân hàng cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) được cập nhật sáng nay, đưa mức cao nhất xuống còn 11,5% vỏn vẹn 5 ngày sau khi áp mức 11,99% một năm.
Với quyết định mới ban hành, biểu lãi suất tiết kiệm bậc thang của SHB bằng nhau chằn chặn ở các kỳ hạn từ 3 tháng đến 36 tháng, cho dù khách gửi nhiều hay ít tiền đều được hưởng 11,5% một năm. Với tiền gửi một tháng và hai tháng, SHB lần lượt trả lãi 11,4 và 11,45% một năm.
Trước đó, hôm 16/4, khách gửi tiết kiệm bậc thang tại SHB được hưởng lãi suất cao nhất tới 11,99% một năm, tăng 0,5-1,5% so với trước. Ngân hàng lý giải, quyết định điều chỉnh sáng nay được đưa ra nhằm thực hiện khuyến cáo của Hiệp hội Ngân hàng về việc huy động quanh ngưỡng 11,5%. Quyết định mới không áp dụng hồi tố với những khách hàng đã gửi tiền từ hôm 16/4 đến hết ngày hôm qua.
|
Các ngân hàng đang nhìn nhau để đưa ra biểu lãi suất phù hợp. Ảnh: Hoàng Hà |
SHB là trường hợp đầu tiên "chỉnh sửa" biểu lãi suất huy động sau khi đã trót đẩy lên cao vượt ngưỡng Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi. Hiện còn gần 10 ngân hàng khác vẫn huy động trên 11,5% một năm, trong đó có 2-3 trường hợp áp mức cao nhất lên tới 11,99%. Một số ngân hàng vẫn duy trì hình thức thưởng, cộng thêm lãi suất và khuyến mại bằng hiện vật cho dù Hiệp hội khuyến cáo nên bỏ.
Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo một ngân hàng có lãi suất suất 11,99% cho biết sẽ sớm điều chỉnh cho phù hợp với thị trường. Theo vị đại diện này sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép mở rộng cơ chế thỏa thuận lãi suất cho vay và chủ trương để lãi suất huy động theo cung cầu thị trường, ngân hàng đã đưa lãi suất lên cao để khuyến khích khách gửi tiền.
"Tuy nhiên, thị trường dần ổn định, lãi suất huy động sẽ giảm dần và ngân hàng cũng phải theo xu hướng chung. Chúng tôi đang xem xét để sớm có điều chỉnh, bởi thực ra nguồn vốn cũng đã dồi dào hơn", vị lãnh đạo này nói.
Trên thực tế, thanh khoản của các ngân hàng đang được cải thiện. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần 9-15/4, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường liên ngân hàng (nơi các ngân hàng vay mượn lẫn nhau) có xu hướng giảm đối với hầu hết các kỳ hạn, với các mức giảm từ 0,22% đến 0,75%. Trong đó lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm mạnh nhất từ 11,56% xuống còn 10,81%; tiếp đến là kỳ hạn một tháng giảm từ 10,18% xuống còn 9,48%.
Hiện khách gửi tiền tiết kiệm có xu hướng chọn kỳ hạn dài để hưởng lãi cao, nhất là khi dự đoán lãi suất có thể giảm xuống trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo cần cân đối với các yếu tố rủi ro, trong đó có vấn đề lạm phát.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Alan Phạm, chuyên gia kinh tế trưởng VinaSecurites, dự báo Việt Nam khó kiểm soát lạm phát dưới 7% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Trường hợp kiểm soát thành công nhất, chỉ số giá tiêu dùng sẽ ở mức dưới 10%. Với điều kiện lạm phát ở mức 8-9%, ông Alan Phạm dự báo lãi suất cơ bản cần điều chỉnh cao hơn mức 8% hiện nay, có thể đạt 10% vào cuối năm.
Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu kiên định các giải pháp chính sách tiền tệ tích cực, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010.
Thủ tướng đánh giá sau thời gian thực hiện cơ chế thỏa thuận lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất vẫn cao, lãi suất cho vay giữa ngoại tệ với VND chưa phù hợp… Vì vậy Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước theo dõi xử lý kịp thời nhằm đưa dần lãi suất xuống thấp, phấn đấu đưa lãi suất huy động xuống khoảng 10% một năm và cho vay 12-13% một năm, góp phần khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập siêu, đồng thời kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 25% và tổng phương tiện thanh toán 20%.
|
Song Linh
Theo VnExpress.